Nhìn từ góc độ tài sản cất trữ và đầu tư, vàng luôn có vị thế nhất định, ngay cả ở hiện tại.

Việc mỗi người đầu tư bao nhiêu tiền phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức nền tảng cũng như tiềm lực tài chính mà người đó có, chính vì vậy không thể có một câu trả lời hoàn toàn đúng cho tất cả các trường hợp, chuyên gia phân tích.

Nhìn từ góc độ tài sản cất trữ và đầu tư, vàng luôn có vị thế nhất định, ngay cả ở hiện tại, với nhiều người trung niên và lớn tuổi, vàng vẫn được coi trọng. Thực tế này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà cả trên thế giới cũng như vậy. Trong báo cáo công bố vào tháng 6/2020, tổ chức tài chính JP Morgan Chase cho biết các nhà đầu tư lớn tuổi chuộng vàng trong khi các nhà đầu tư trẻ có xu thế nghiêng nhiều hơn về bitcoin.

Thời xưa xé ruột chăn giấu vài chục cây vàng, bán rau trữ được nửa bao tải nhẫn: Nhà đầu tư bây giờ lại ỏng eo chê giữ vàng là thất bại! - Ảnh 1.
Bên ngoài sống giản dị, bên trong trữ cả nửa bao tải vàng

Ở Việt Nam, vàng vốn rất được lòng nhiều người trung niên và lớn tuổi. Có thể kể đến hai câu chuyện sau do chính bản thân tác giả chứng kiến: Một người bác trong họ của mình lúc sống rất giản dị, tằn tiện, không ai biết bác có bao nhiêu tiền và cất ở đâu vì cũng không thấy bác ra ngân hàng bao giờ. Cho đến một ngày khi đã 89 tuổi, bác qua đời.

Công việc tang ma cho bác xong xuôi, người nhà ngồi xem xét lại từng món đồ của bác, bất chợt có người phát hiện ra trong chiếc chăn bông bác đắp bao nhiêu năm nay có những vật cứng nhỏ bất thường. Cắt chăn bông ra xem xét thật kỹ, người nhà vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra có đến vài chục cây vàng được may vào ruột chăn từ lúc nào không ai biết. Vàng sau đó được chia đều cho con cháu trong nhà.

Câu chuyện thứ hai, người cậu của tác giả mới xây xong nhà vào năm ngoái, cậu năm nay cũng gần 60 tuổi, làm nghề bán rau ở chợ cho đến giờ cũng gần 40 năm rồi. Cậu có gửi tiền ngân hàng nhưng số tiền thực ra không quá lớn. Điều khiến mọi người ngạc nhiên nhất chính là khi xây nhà, cậu đã quyết định công bố ra số vàng mà cậu cất trữ nhiều năm nay, đó chính là khoảng nửa bao tải vàng nhẫn 1,2 chỉ mà cậu đã tích cóp sau mấy chục năm buôn bán ở chợ. Tất nhiên, nhờ số vàng này mà việc xây nhà đã được hoàn tất nhanh chóng.

Thời xưa xé ruột chăn giấu vài chục cây vàng, bán rau trữ được nửa bao tải nhẫn: Nhà đầu tư bây giờ lại ỏng eo chê giữ vàng là thất bại! - Ảnh 2.

Người viết lớn lên khi mà từ thập niên 1990, việc mua bán các mảnh đất khi đó chủ yếu được tính toán dựa trên đơn vị vàng theo kiểu như mảnh đất này bao nhiêu cây vàng, mảnh đất khác bao nhiêu cây vàng. Ngoài gửi tiết kiệm, bố mẹ và các bác các chú xung quanh cũng rất quan tâm đến tiết kiệm bằng vàng, cứ vài tháng mẹ của người viết lại đi mua chỉ vàng về cất tủ. Ảnh hưởng bởi tâm lý ấy, nên từ lúc bắt đầu đi làm, người viết cũng có thói quen định kỳ đi mua vàng về cất trữ, cùng lúc song song gửi tiết kiệm. Hai hình thức bảo toàn tài sản đó được duy trì nhiều năm cho đến sau này mới chuyển một phần tiền sang trái phiếu, cổ phiếu.

Vì sao vàng lên ngôi vương một thời?

Để hiểu được tại sao một số người trung niên và người lớn tuổi vẫn ưa chuộng vàng trong xã hội cũng như việc liệu vàng có phù hợp với người trẻ trong vai trò công cụ đầu tư, chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc của AFA Capital đồng thời là nhà sáng lập của TOPI – Ứng dụng Đầu tư và Quản lý Tài chính cá nhân.

Thời xưa xé ruột chăn giấu vài chục cây vàng, bán rau trữ được nửa bao tải nhẫn: Nhà đầu tư bây giờ lại ỏng eo chê giữ vàng là thất bại! - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc của AFA Capital đồng thời là nhà sáng lập của TOPI

Theo giải thích của ông Tuấn, khi nói đến đầu tư, thì phải có sản phẩm tài chính. Trước đây, thị trường tài chính chưa phát triển thì các sản phẩm tài chính còn rất ít, ví dụ như trước đây có ngoại tệ, vàng, tiền gửi, nhà đất và không còn sản phẩm nào nữa. Khi thị trường chứng khoán phát triển, chúng ta mới có thị trường cổ phiếu, hoặc những năm gần đây khi thị trường trái phiếu phát triển, có thêm thị trường trái phiếu, đến gần đây, những chứng chỉ quỹ hoặc danh mục ETF phát triển. Vào giai đoạn đầu, cũng không có những sản phẩm đó. Thực tế này lý giải cho việc tại sao người lớn tuổi lại thích vàng, bởi vàng là sản phẩm xuất hiện ngay từ đầu của thị trường tài chính và mọi người đã quen với nó rồi.

Thứ hai, xét về đặc tính của vàng, vàng vừa là tiền tệ vừa là hàng hóa, ở thời điểm trước, khi gửi vàng vào ngân hàng, vẫn còn có lãi, đó là đặc tính tiền tệ của nó, hoặc có thể vay vàng ra để mua nhà, thanh khoản rất cao, ngoài ra nó cũng là hàng hóa và có thể cầm đến bất kỳ đâu, Hà Nội hay Sài Gòn thì vàng có đặc tính nhỏ gọn. Ở bất kỳ đâu, người ta chỉ cần thử tuổi vàng là có thể mua lại ngay được, giá trị của vàng lại cao, chính vì vậy nên độ phổ biến của vàng rất cao với nhóm những người lớn tuổi thì đó là chuyện đương nhiên.

Sau này khi mà các nghị định của chính phủ ra đời hạn chế, siết chặt quản lý thị trường vàng thì không được gửi vàng nữa mà gửi vàng phải thu phí, việc sở hữu vàng co hẹp lại, ngoài ra, thị trường tài chính có nhiều sản phẩm hơn. Với người trẻ bây giờ họ cũng có thêm tiền điện tử, mọi người sẽ thấy vàng phù hợp với người lớn tuổi là vì như vậy.

Quy tắc 4 tầng: Nắm rõ để không “lọt hố”

Gần đây có quan điểm cho rằng nắm giữ vàng thực chất là một sự thất bại bởi lợi suất mà vàng mang lại quá thấp, ông Tuấn khẳng định quan điểm này không chính xác. Theo số liệu mà ông Tuấn cung cấp, trong vòng 50 năm trở lại đây, vàng mang lại mức lợi tức trung bình năm khoảng 11%, còn nếu tính riêng trong 20 năm trở lại đây, mức lợi suất trung bình mà vàng mang lại khoảng 12%. 12% là một mức lợi tức mà theo như trong báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), vàng đứng thứ 4 về lợi suất. Đứng đầu về lợi suất là cổ phiếu của các quốc gia mới nổi (emerging markets), sau đó đến thị trường bất động sản của Mỹ, thứ ba đến chứng khoán Mỹ và thứ tư đến vàng.

Thời xưa xé ruột chăn giấu vài chục cây vàng, bán rau trữ được nửa bao tải nhẫn: Nhà đầu tư bây giờ lại ỏng eo chê giữ vàng là thất bại! - Ảnh 4.

Về việc người trẻ có nên sở hữu vàng hay không, ông Tuấn chia sẻ rằng mỗi người cần phải xây dựng được tháp tài sản cho mình: tầng đáy hay còn gọi là tầng hầm chính là tài sản vô hình tức là kiến thức, tầng thứ hai gọi là tầng bảo vệ tức tài sản mang tính chất bảo vệ giống như nhà ở, bảo hiểm và vàng; tầng thứ ba là những tài sản mang tính chất thu nhập tức là nó mang lại những thu nhập ổn định như tiền gửi, chứng chỉ quỹ; tầng thứ tư là tài sản tăng trưởng như cổ phiếu, bất động sản đất nền và trên cùng là tài sản rủi ro ví như tiền điện tử dù Việt Nam chưa công nhận chính thức nhưng mức độ tăng giá của nó rất cao.

Thời xưa xé ruột chăn giấu vài chục cây vàng, bán rau trữ được nửa bao tải nhẫn: Nhà đầu tư bây giờ lại ỏng eo chê giữ vàng là thất bại! - Ảnh 5.

Thế nên việc người trẻ có nên mua vàng hay không còn tùy thuộc vào tầng đáy, tức là nền tảng kiến thức của họ như thế nào. Nếu không có kiến thức về tiền điện tử, người đó bảo là không, tôi không mua vàng, chỉ mua tiền điện tử thôi chắc chắn người đó sẽ chịu rủi ro rất lớn. Nhưng nếu ai đó bảo tiền điện tử chưa hợp pháp, chỉ mua vàng thôi thì cũng không chắc chắn bởi người chuyên về ngành IT sẽ hiểu về bảo mật hiểu về tiền điện tử. Mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình.

Còn trên bình diện thế giới, danh mục thường chứa khoảng 5% vàng, bởi vàng mang tính chất ổn định và có lợi nhuận về dài hạn bởi vàng có mức biến động thấp thứ 3 trong các lớp tài sản đầu tư. Quan trọng nhất đầu tư phải đều đặn, mình có thể mỗi tháng lương hoặc vài ba tháng lương mua một chỉ cất đi sẽ mang lại hiệu quả thực sự về tiết kiệm và đầu tư.

#CEO #AFACapital #NguyễnMinhTuấn #Vàng

Ngọc Diệp

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Leave a comment