Theo các chuyên gia, đặc tính của thị trường Việt Nam là cái gì “nóng” thì mọi người đổ xô vào, dẫn đến câu chuyện “đu đỉnh”, cho nên nhà đầu tư phải có chiến lược rất rõ ràng để chuẩn bị.

Áp lực lạm phát ra sao?

Lạm phát đang trở thành ám ảnh của nhiều quốc gia. Mỹ có tỷ lệ lạm phát được công bố tháng 10/2021 là 6,2%, một con số vượt quá kỳ vọng 5,8% của giới phân tích. Điều này bắt đầu tác động đến hành vi của những thành phần tham gia các thị trường tài chính và thị trường đầu tư tài sản. Nhà đầu tư Việt Nam sẽ giải bài toán đầu tư như thế nào nếu áp lực này xảy ra?

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, về lạm phát của Mỹ hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1990. CPI lõi tăng 4,6% so với năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng của việc giá ô tô tăng 2,5% (xe cũ) và 1,4% (xe mới), cùng giá nhà cho thuê tăng 0,4%. Đồng thời, tại cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 11 kết thúc với quyết định giữ nguyên lãi suất và sẽ cắt giảm mua trái phiếu từ tháng 11 cho đến hết năm 2022.

Còn ở các Ngân hàng Trung ương khác, tại khu vực châu Âu trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu âu (Eurozone) tăng lên 4,1% do giá năng lượng tăng 23,5%, lạm phát lõi đạt 2,1%, tăng 0,3% so với tháng trước đó, vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Tuy nhiên, áp lực chủ yếu đến từ giá năng lượng tăng cao.

Riêng tại Việt Nam thì khác rất nhiều, với thông tin phần lớn đến từ hai yếu tố bên ngoài, là giá xăng tăng lên, khả năng ảnh hưởng đến các yếu tố giá khác, dẫn tới lạm phát sẽ tăng lên. Và từ yếu tố bên trong là tờ trình các gói kích thích kinh tế khổng lồ 800.000 tỷ đồng và hơn thế nữa, đang đưa đến một suy đoán kỳ vọng rằng năm sau tỷ lệ lạm phát sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn một cách sâu sắc rằng, nếu lạm phát như vậy thì hành xử của Ngân hàng Nhà nước như thế nào, để các nhà đầu tư có quyết định đúng đắn với các phương án đầu tư của mình.

Về câu chuyện lạm phát, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung uơng đã dự báo, theo nhiều nghiên cứu, lạm phát chỉ tăng trong giai đoạn nhất thời và Việt Nam đủ kinh nghiệm để quản lý cả ba yếu tố tạo lạm phát. Cụ thể như:

Thứ nhất, lạm phát do cầu kéo, cầu trong nước hiện đang rất yếu, khó tạo áp lực trong khi cầu bên ngoài không đáng lo ngại.

Thứ hai, về chi phí đẩy, một số mặt hàng nguyên nhiên liệu có xu hướng tăng giá nhưng thị trường sẽ có cơ chế tự điều tiết.

Thứ ba, mở ngân sách có khả năng tăng cung tiền nhưng vòng quay tiền tệ đang thấp nên rủi ro lạm phát không cao.

Do đó, có thể cân nhắc đặt mục tiêu lạm phát cao hơn rồi từng bước giảm dần theo lộ trình. Ám ảnh lạm phát ở thời điểm này là không đáng có, nhưng ám ảnh tăng trưởng thì nên bởi nếu không có tăng trưởng cao, đời sống của người dân sẽ trở nên rất khó khăn. Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, chi phí bên ngoài đẩy vào càng trở nên áp lực. Do đó, tăng trưởng cao sẽ giúp bù đắp.

Đầu tư thế nào?

Ông Nguyễn Minh Tuấn phân tích thêm, theo cập nhật con số trong tháng 10 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng là 1,77% và lạm phát cơ bản là 0,5%. Trong đầu tư, mọi người rất quan trọng vấn đề lạm phát, vì nó liên quan đến giá trị thực, sức mua thực và khi tư duy về đầu tư, thì lại cho rằng lợi tức trừ đi lạm phát sẽ ra lợi ích thực.

“Do đó, nếu suy nghĩ trong môi trường vĩ mô, lãi suất đang được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức thấp như hiện tại để kích thích nền kinh tế, thì lạm phát nếu có xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các lớp tài sản”,

Vị CEO cũng nêu ví dụ với tiền gửi tiết kiệm, hiện nay lãi suất trung bình khoảng 5-5,5%, nếu lạm phát lớn hơn 4% như mọi người đang đồn đoán, hoặc cao hơn nữa, thì lãi suất tiền gửi sẽ bị âm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ, là giữ một môi trường lãi suất thấp và ổn định để ổn định nền kinh tế, chính vì vậy, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ phải kiểm soát lạm phát rất chặt và không đến mức như thị trường đang kỳ vọng. Mặt khác, ẩn sâu trong đó còn phải nhìn nhận GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu phần trăm.

Còn nếu như lạm phát không phải 4% như kế hoạch năm nay, mà ở một mức cao hơn mà hiện tại nhiều người đang đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, thì để những trái phiếu doanh nghiệp tốt, có tài sản đảm bảo chất lượng, đâu đó lãi suất cũng chỉ khoảng 8- 9% và khi trừ đi như vậy cũng chỉ tương ứng với mức 5% là rất thấp. Do đó, câu hỏi đặt ra là dòng tiền của chúng ta đã chạy đi đâu trong khoảng một tháng trở lại đây, phải chăng xu hướng dòng tiền đang bị chuyển dịch rất nhiều sang thị trường vàng?

Đặc biệt, khi nhắc đến thị trường vàng, từ đầu năm có nhiều ý kiến cho rằng vàng đã hết thời. Tuy nhiên đến nay lại là thời điểm những người đầu tư vàng từ đầu năm hoặc một cách đều đặn đang được hưởng thành quả, khi nỗi sợ của thị trường về lạm phát bắt đầu tác động. Nghịch lý là hiện tại, mọi người lại bắt đầu đổ xô sang mua vàng, trong bối cảnh lượng cung vàng miếng được kiểm soát thường xuyên, có sự găm giữ thiếu hụt và thanh khoản thấp, thì lúc này giá bị đầy lên rất nhiều.

“Do đó, nếu chúng ta không có tư duy chu kỳ và chuẩn bị những lớp tài sản đầu tư từ trước và khi có kỳ vọng lạm phát đẩy ra, mà lại đi mua lại tài sản với mức giá chênh lệch với thế giới rất cao thì đó là điều không được khuyến khích.

Với hai lớp tài sản còn lại như bất động sản và cổ phiếu, đến nay mọi người đang có thiên hướng đẩy rất nhiều tiền vào bất động sản, cũng như một số cổ phiếu bất động sản đầu cơ. Theo tôi, tất cả các tài sản đầu tư, chúng ta phải hiểu chu kỳ của nó và chuẩn bị từ trước, đến khi sự việc thực sự xảy ra, thì đó chính là thời điểm có thể hái quả ngọt, chứ không phải dựa vào những thông tin trên thị trường mới đi mua vàng, mua bất động sản, hay đầu tư rất nhiều vào cổ phiếu, thì đó không phải là cách đầu tư thông minh”, ông Tuấn khuyến nghị.

Bổ sung vào các đánh giá trên, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính bày tỏ quan điểm rằng, đặc tính của thị trường Việt Nam là cái gì “nóng” thì mọi người đổ xô vào, dẫn đến câu chuyện “đu đỉnh”, cho nên nhà đầu tư phải có chiến lược rất rõ ràng để chuẩn bị. Vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cảnh báo về sức ép lạm phát, đồng thời phải cân đối giữa câu chuyện chính sách tiền tệ và lạm phát, tính toán đến câu chuyện lãi suất.

“Để ổn định vĩ mô và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển thì lãi suất có lẽ sẽ không tăng, do đó hàng loạt các biện pháp sẽ phải đưa ra để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới”, ông Long nói.

#AFACapital #lạmphát

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Leave a comment