Nhìn lại 2 nhiệm kỳ gần nhất, ai điều hành kinh tế tốt hơn
Hai ứng cử viên hiện tại của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là cựu Tổng thống Donald Trump và phó Tổng thống Kamala Harris. Nền kinh tế là một yếu tố các cử tri quan tâm hàng đầu trong việc đưa ra quyết định bầu cử.
Lãi suất FED đều tăng vọt trong cả 2 nhiệm kỳ
Có thể thấy trong cả 2 nhiệm kỳ, lãi suất quỹ liên bang Mỹ đều tăng, ngoại trừ giai đoạn Covid-19 cần nới lỏng để kích thích kinh tế.
Phương pháp luận
Để đánh giá việc điều hành kinh tế trong 2 nhiệm kỳ, chúng tôi đưa ra 4 bước để định lượng kết quả của 2 tổng thống Trump và Biden:
Bước 1: Xác định 7 biến số chính dùng để so sánh hiệu quả điều hành, bao gồm:
- Tỷ lệ thất nghiệp (%)
- Thâm hụt ngân sách/GDP (%)
- Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) (YoY %)
- Tổng lực lượng lao động phi nông nghiệp (Non Farm all employees) (YoY %)
- Thu nhập dân cư YoY (Tăng trưởng hàng năm của thu nhập cá nhân)
- Tăng trưởng GDP thực (YoY %)
- Tăng trưởng của chỉ số chứng khoán S&P 500 (YoY)
Bước 2: Tính giá trị trung bình của lần lượt 7 biến số trên, trong khoảng thời gian từ 1970 đến nay. Sử dụng 7 giá trị trung bình đã tính làm chỉ số tham chiếu để đánh giá độ hiệu quả của việc điều hành kinh tế trong 2 nhiệm kỳ.
Bước 3: Tính giá trị trung bình của 7 biến số tại bước 1 trong 2 giai đoạn: từ 2017 – 2021 và từ 2021 – 2024. Sau đó so sánh giá trị vừa tính toán với chỉ số tham chiếu tại bước 2.
Bước 4: Tính toán điểm dựa trên kết quả so sánh tại bước 3.
So sánh 7 yếu tố dưới 2 nhiệm kỳ
Trong số 7 yếu tố, có 3 biến số tỷ lệ thất nghiệp, mức độ thâm hụt/GDP và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE là càng thấp càng tốt. 4 biến số còn lại bao gồm Tổng lực lượng lao động phi nông nghiệp (Non Farm all employees), Thu nhập dân cư (Tăng trưởng hàng năm của thu nhập cá nhân), Tăng trưởng GDP thực, Tăng trưởng của chỉ số chứng khoán S&P 500 là càng cao càng tốt.
1.Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong nhiệm kỳ của Biden thấp hơn
Có thể thấy về mặt thị trường lao động, Biden đã thể hiện tốt hơn trong cả nhiệm kỳ và cả khi loại bỏ ảnh hưởng của Covid 19. Tỷ lệ thất nghiệp trong cả nhiệm kỳ của Biden là 4.16% so với mức 5% của Trump và trong trường hợp loại bỏ ảnh hưởng của Covid là 3.79% so với 3.95%.
2.Mức độ thâm hụt/GDP trung bình trong nhiệm kỳ của Trump thấp hơn
Về mặt thâm hụt ngân sách/GDP, Trump có mức độ thâm hụt thấp hơn so với Biden. Mức độ thâm hụt trong cả nhiệm kỳ của Trump là -6.60% so với mức -7.71%% của Biden và trong trường hợp loại bỏ ảnh hưởng của Covid là -3.91% so với -6.12%.
3.Lạm phát trung bình trong nhiệm kỳ của Trump thấp hơn
Về mặt lạm phát, chúng tôi sử dụng PCE – thước đo quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ – để định lượng điểm số. Nhiệm kỳ của Trump có lạm phát thấp hơn so với Biden. Tuy nhiên cần lưu ý rằng nhiệm kỳ của Biden bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid 19, khiến lạm phát tăng tốc nhanh sau giai đoạn 2021.
4.Tăng trưởng việc làm trung bình trong nhiệm kỳ của Biden cao hơn
Về tăng trưởng việc làm, nhiệm kỳ 2021 – 2024 có mức tăng trưởng tốt hơn, đạt 2.93% so với -0.32%, kể cả khi loại bỏ ảnh hưởng của Covid 19, mức tăng vẫn đạt 2.05% so với 1.49% do mức nền thấp sau giai đoạn đại dịch.
5.Thu nhập dân cư trước lạm phát trung bình trong nhiệm kỳ của Biden cao hơn
Mức tăng trưởng thu nhập dân cư (chưa trừ lạm phát) trong giai đoạn Biden điều hành tốt hơn tuy nhiên nếu tính toán tăng trưởng thu nhập dân cư trừ đi lạm phát, Trump sẽ có kết quả tốt hơn.
6.Tăng trưởng GDP thực trung bình trong nhiệm kỳ của Biden cao hơn
Tăng trưởng GDP thực trong nhiệm kỳ của Biden cao hơn, được hưởng lợi từ việc lãi suất FED ở mức thấp giai đoạn đại dịch.
7.Tăng trưởng chỉ số S&P500 trung bình trong nhiệm kỳ của Trump và Biden
Tăng trưởng của chỉ số S&P500 sau Covid trong nhiệm kỳ của Biden tăng mạnh, do sự phát triển của AI.
Giá trị các chỉ số kinh tế
Sau khi tính toán, các chỉ số được tổng hợp lại như trong bảng. Có thể thấy cả 2 tổng thống đều làm tốt ở chỉ số tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát và tăng trưởng chỉ số S&P500.
Kết quả tính toán cho thấy Trump bị ảnh hưởng nặng bởi COVID 19
Sau khi thực hiện tính điểm, kết quả cho thấy số điểm cả nhiệm kỳ và trước covid của Trump có sự chênh lệch rất lớn. Điều này chỉ ra rằng đại dịch ảnh hưởng rất nặng nề tới kết quả điều hành kinh tế của Trump.
Điểm của Trump cao hơn khi thêm yếu tố lạm phát
Nếu tính thêm lạm phát vào thu nhập dân cư, số điểm của Trump được cải thiện và giai đoạn trước covid có số điểm cao nhất trong số 4 giai đoạn.
Cuộc đua không thể đoán trước kết quả
Hiện tại kết quả cuộc bầu cử đang rất cân bằng, khó có thể dự đoán ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.
Goldman Sachs tổng hợp những chính sách của cả 2 ứng viên nếu đắc cử
11 điểm ưu tiên của 2 ứng cử viên trong quá trình tranh cử
Hai ứng cử viên tập trung vào 11 vấn đề chính để thu hút phiếu bầu của các cử tri, bao gồm: thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thương mại, lạm phát, lao động, nhập cư, y tế, năng lượng & môi trường, nhà ở, FED, NATO & an ninh.
Thuế cá nhân
Harris ưu đãi thuế cho người thu nhập thấp, đánh thuế mạnh tay người thu nhập cao. Trong khi đó Trump dành nhiều ưu đãi về thuế cá nhân tại Hoa Kỳ.
Thuế doanh nghiệp và Thương mại
Trump thiên về giảm thuế doanh nghiệp và gia tăng thuế quan với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trong khi đó Harris tăng thuế doanh nghiệp và có các chính sách ôn hòa hơn về thương mại.
Lạm phát và Lao động
Harris thiên về các chính sách hỗ trợ với người thu nhập thấp, còn Trump tập trung vào tăng thu nhập cho công dân Mỹ. Thị trường cũng lo ngại nếu Trump đắc cử, lạm phát sẽ có khả năng tăng trở lại.
Tình hình nhập cư và Y tế
Trump có những biện pháp quyết đoán và mạnh tay hơn trong việc giải quyết vấn đề nhập cư, với mức cao nhất là trục xuất những người nhập cư trái phép. Harris cũng có những biện pháp để xử lý nhập cư, tuy nhiên ôn hòa hơn so với Trump.
Về y tế, cả 2 ứng cử viên đều có những chính sách hỗ trợ để thu hút các cử tri.
Năng lượng và môi trường, nhà ở và các yếu tố khác
Về năng lượng và môi trường, Harris tập trung vào việc phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Trump lại muốn tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để tiếp tục giữ vững vị thế của Mỹ.
Về nhà ở, cả 2 ứng cử viên đều có chính sách hỗ trợ người dân trên thị trường nhà ở.
Về việc can thiệp vào quyết định về chính sách tiền tệ của FED, Trump cho phép tổng thống đóng góp ý kiến về chính sách của FED, ngược lại Harris tiếp tục hỗ trợ sự độc lập của FED.
Về vấn đề NATO và anh ninh, Harris sẽ tiếp tục duy trì viện trợ của Mỹ cho Ukraine và ủng hộ giải pháp 2 nhà nước trong cuộc chiến Israel – Gaza. Mặt khác, Trump sẽ chấm dứt việc viện trợ cho Ukraine và chấm dứt chiến tranh ở Ukraine qua đàm phán với Nga. Ông cũng tuyên bố sẽ giải quyết xung đột ở Trung Đông.
Dự báo mức độ thâm hụt ngân sách
J.P Morgan dự báo mức độ thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ gia tăng, bất kể tổng thống nhiệm kỳ tới là ai. Tuy nhiên, mức độ thâm hụt nếu Trump đắc cử được dự báo cao hơn, do phần thâm hụt do giảm thuế cá nhân tăng mạnh, phần thu ngân sách tới từ thuế quan mặc dù tăng nhưng không đủ bù đắp. Mặt khác, nếu Harris đắc cử, phần thu ngân sách tới từ việc tăng thuế doanh nghiệp và thuế đối với những cá nhân giàu có tại Mỹ sẽ được gia tăng khiến thâm hụt thấp hơn khi so với Trump.
Hiện tại, Trump đang dẫn trước trong cuộc bầu cử, mặc dù lợi thế không quá lớn. Tuy nhiên các nhà đầu tư bắt đầu chuẩn bị tới kịch bản này và yêu cầu phần bù rủi ro lớn hơn đối với trái phiếu chính phủ Mỹ. Đây là lý do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt trong thời gian gần đây.
So sánh tỷ lệ đắc cử giữa Trump và Harris
Theo Real Clear Polling, tổng hợp các cuộc khảo sát cho thấy Trump đang dẫn trước, với tỷ lệ đắc cử là 48.5%. Tuy nhiên lợi thế này không lớn khi Harris đang theo sát với tỷ lệ 48.4%.
Lo ngại về các chính sách thuế quan của Trump sẽ làm lạm phát theo thang
Mặc dù cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang rất cân bằng, thị trường có những dấu hiệu lo lắng trước trường hợp ông Trump đắc cử do những chính sách thiên về lợi ích cho nước Mỹ có thể dẫn tới những hậu quả khác cho nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu ông Trump đắc cử
Theo như Economist, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu ông Trump đắc cử, cụ thể ở vị trí thứ 9. Theo đó, các yếu tố bị ảnh hưởng bao gồm thương mại, an ninh và nhập cư. Đáng chú ý nhất, là thương mại, bao gồm các yếu tố: Mỹ là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, sự phụ thuộc vào hàng hóa và thương mại và cân bằng thương mại song phương.
Triển vọng và rủi ro về quan hệ thương mại Mỹ – Việt Nam
Theo Vietnam Briefing, nếu Harris đắc cử, quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện do các chính sách ôn hòa, kế thừa cam kết của chính quyền Biden trong thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Harris có thể tập trung vào các hình thức hợp tác với Việt Nam để duy trì và thúc đẩy thương mại. Thêm vào đó, Harris đề cao mối quan hệ hợp tác thân thiện và không đối đầu với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Mặt khác, nếu Trump đắc cử, Việt Nam có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng từ các cuộc điều tra nhắm vào hàng hóa hoặc hoạt động thương mại, do thâm hụt Hoa Kỳ với Việt Nam đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Trump cũng có chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, điều này làm ảnh hưởng tới các hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ nói chung và với hàng hóa Việt Nam nói riêng. Cuối cùng, trước đây chính quyền Trump đã từng coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Việc này có thể sẽ tái diễn trong trường hợp ông Trump đắc cử, gây ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam.