Trong phiên giao dịch ngày 15/01, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do bất ngờ tăng 120 đồng cả chiều mua và chiều bán so với giá niêm yết trong phiên liền trước. Theo đó, giá USD chợ đen đã lên mức 24.870 – 24.970 đồng/USD, cách mốc 25.000 đồng không xa.
Tính từ đầu năm 2024, tỷ giá tự do đã tăng 1,13% từ mốc ngày 02/01/2024. Những thông tin về Đô la tự do trước đây thường rất được quan tâm, tuy nhiên gần đây, những vấn đề này được kiểm soát rất chặt nhằm hạn chế việc vàng hóa, Đô la hóa nền kinh tế. Từ việc kiểm soát chặt, dẫn đến các vấn đề về thị trường tỷ giá tự do không quá ảnh hưởng tới thị trường, tỷ giá tự do có thể tăng cao hơn và nhanh hơn, tỷ giá ngân hàng thương mại bán ra cũng tăng tương tự nhưng trong biên độ kiểm soát được.
Tỷ giá tự do không quá ảnh hưởng tới thị trường liên ngân hàng, rủi ro hiện tại đang là chênh lệch lãi suất USD/VND đang âm. Rủi ro này sẽ giảm dần do nhận được sự hỗ trợ vì biên bản họp của FED nói rằng sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024.
Thêm vào đó, các luận điểm giúp chúng ta có thể thấy được tỷ giá sẽ ổn định trong năm 2024 như
- Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2024 tuy nhiên trong dài hạn vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn này nếu chúng ta không có các chính sách phù hợp.
- Dòng kiều hối tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, đặc biệt là đầu năm
- Thăng dự thương mại tiếp tục duy trì tuy nhiên có thể thặng dư sẽ thấp hơn so với năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu sẽ phục hồi dần đưa thặng dư về lại mức bình thường và ổn định từ 1 tỷ USD – 5 tỷ USD.
- Yếu tố quan trọng cần quan sát trong năm sau đối với dự phóng này chính là sự đảo chiều chính sách của các NHTW lớn trên thế giới đặc biệt là FED. Nếu lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn trong khi Việt Nam tiếp tục duy trì mức độ nới lỏng thanh khoản như hiện nay sẽ khiến áp lực từ chênh lệch lãi suất sẽ lại ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn ngắn hạn ra vào Việt Nam.
Các yếu tố trên, kết hợp với cấu trúc cán cân thanh toán cho chúng ta thấy được sự di chuyển của USD, biết được tiền sẽ đi về đâu. Khi cán cân tổng thể âm chúng ta phải bù lại bằng dự trữ ngoại hối, và ngược lại, khi cán cân tổng thể dương, chúng ta có thể mua được USD đưa vào dự trữ ngoại hối và đưa tiền đồng ra thị trường.
Cán cân thanh toán (Balance of Payments, BOP) là một bảng dữ liệu cung cấp thông tin về kết quả của các giao dịch quốc tế của một quốc gia với phần còn lại của thế giới thể hiện qua hai tài khoản chính đó là tài khoản vãng lai (CA) và tài khoản vốn và tài chính (KA).
Cơ cấu BOP Q3/2023 cho ta thấy tại sao thặng dư thương mại cao nhưng tỷ giá vẫn tăng
FDI tăng mạnh tuy nhiên cán cân tài chính âm, điều này làm cho dự trữ ngoại hối phải được đưa ra để bù lại phần chênh lệch âm
Chỉ số DXY, Bond yield Mỹ tăng nhẹ sau khi lạm phát Mỹ cao hơn dự đoán là một trong số các rủi ro chúng ta cần quan sát trong thời gian tới dù ảnh hưởng của các yếu tố này không lớn.
Chúng ta có thể kết luận lại rằng Tỷ giá tự do đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá vàng, đặc biệt là vàng nhẫn, chúng ta cần quan sát tiếp các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ giá USD liên ngân hàng, ngân hàng bán cho doanh nghiệp nhiều hơn tỷ giá tự do.