EPR: ĐÃ ĐẾN LÚC CÁC NHÀ SẢN XUẤT PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO VÒNG ĐỜI SẢN PHẨM CỦA MÌNH
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 – 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế. Ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.
Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.
Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
EPR được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm việc thu gom, tiền xử lý (vận chuyển, phân loại, tháo dỡ, làm sạch…); tái sử dụng, thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng), tiêu hủy. Nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cung cấp nguồn tài chính cần thiết và/hoặc trực tiếp tham gia vận hành quản lý chất thải rắn, có thể thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm, tập thể.
EPR được cho là của Thomas Lindhqvist người Thụy Điển, giáo sư Đại học Lund vào năm 1990 đã giới thiệu ý tưởng về việc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với Bộ Môi trường Thụy Điển.
Mục đích nghiên cứu của ông là xác định xem hệ thống tái chế và quản lý chất thải nào có thể làm nền tảng cho các chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn như thế nào.
Đề xuất của Lindhqvist được đưa ra vào thời điểm một số nước châu Âu đang bắt đầu các chiến lược nhằm cải thiện việc quản lý cuối vòng đời sản phẩm, dẫn đến việc hầu hết tất cả các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – tổ chức mà Việt Nam là thành viên từ 2008, đều thiết lập các chính sách EPR như một cách tiếp cận, nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và giảm thiểu chất thải.
EU, Canada, Nga, Nhật Bản, Chile, Việt Nam là các quốc gia áp dụng quy định bắt buộc về EPR
EPR Tại Việt Nam
Trước đây, hoạt động tái chế của nước ta luôn ở tình trạng “không chịu lớn” bởi quy mô manh mún, nặng tính thủ công. Nhưng với sự khởi đầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt quy định từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đã mở ra một bước ngoặt mới có tính quyết định, kỳ vọng cho sự lớn mạnh, khởi sắc của ngành tái chế
Để chính sách EPR đi vào cuộc sống, suốt 3 năm qua, cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như các nhà tái chế đã có cuộc “chạy đua với thời gian” để hoàn thiện chính sách và sẵn sàng thực thi.
Trách nhiệm tái chế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Kể từ thời điểm này, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Như vậy, nếu như trước kia các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật và các văn bản dưới luật. Cụ thể lộ trình áp dụng cho tất cả các lĩnh vực như sau.
Dù được đánh giá là tiềm năng và đang ngày càng thu hút đầu tư nhưng hiện nay, ngành tái chế bao bì nhựa nói riêng và tái chế nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, thực trạng “hoan hô nhưng chưa chào đón” doanh nghiệp tái chế đang diễn ra ở một số địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai hiệu quả quy định EPR, ngành tái chế nước ta cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là những hỗ trợ về cơ chế đầu tư, ưu đãi vốn, thuế, đất đai
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập theo quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và theo quy định của pháp luật. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam liên quan đến trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy định tại Điều 81 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Số tiền đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì (F) được xác định theo công thức:
F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng
R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì
V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế
Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu
Phát biểu tại hội thảo “Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (ERP) tại Việt Nam” do PRO Việt Nam tổ chức vào ngày 26-10. ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch PRO Việt Nam, cho biết: “Việc triển khai EPR hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được các kỳ vọng về môi trường tốt đẹp hơn, đồng thời thúc đẩy mô hình kinh tế tuyến tính thiếu hiệu quả và ít bền vững chuyển dần sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển hiệu quả và bền vững hơn”.
Ông cho rằng bên cạnh những cơ hội về lâu dài nêu trên, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ đối mặt không ít các thách thức về tài chính trong đầu tư và chi phí (tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp); các thách thức về chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, công nghệ… để phù hợp với xu thế hội nhập và tiêu dùng ngày càng theo hướng phát triển xanh và bền vững; các thách thức về chính sách chưa đồng bộ, phù hợp và kịp thời…