Các chuyên gia cho rằng, khi hai chức năng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư ở trong một ngân hàng lớn, sẽ dễ xảy ra tình trạng mâu thuẫn, gây rủi ro phá sản rất lớn.
Rủi ro từ ngân hàng đa năng
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, thị trường tài chính của chúng ta hiện nay đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Nhìn vào các nước tiên tiến để từ đó Việt Nam có thể áp dụng và học hỏi; song, luôn có một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và thực tế ở các nước đang phát triển so với các nước cận biên.
Thông thường, các ngân hàng đều bắt đầu bằng ngân hàng thương mại với nghiệp vụ huy động và cho vay, sau khi có tiềm lực tài chính đủ lớn, quản trị thanh khoản, quản trị rủi ro ở một trình độ nào đó, để có thể mở rộng thị phần sang khối ngân hàng bán buôn và ngân hàng đầu tư. Nghĩa là đem tiền đi đầu tư vào những tài sản chấp nhận rủi ro cao hơn, để có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn, cũng như có quy mô đủ lớn nhằm cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng thương mại ở dưới.
Tại Việt Nam giai đoạn năm 2006 – 2007, các ngân hàng có lợi thế lớn trong ngành, không chỉ là ngân hàng bán lẻ, ngân hàng thương mại mà có thể trở thành ngân hàng bán buôn, cung cấp dịch vụ đầu tư. Thời điểm đó, có những ngành đầu tàu của nền kinh tế như dầu khí, quy mô vốn rất lớn và họ nghĩ có thể trở thành một ngân hàng đa năng gọi là Universal Banking (cung cấp các dịch vụ thương mại, đầu tư và dịch vụ cho các ngân hàng khác). Hiện tại trên thế giới để đạt đến mô hình này có một số cái tên như Deutsch Bank, JP Morgan Chase &Co, HSBC, còn ở Việt Nam chưa có ngân hàng nào đạt được như vậy.
Ông Phan Lê Thành Long
Phân tích về Universal Banking, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính lý giải, ở giai đoạn đó, khái niệm này được nhắc đến rất nhiều. Nói một cách dễ hiểu là, một ông chủ muốn lập lên một ngân hàng và làm mọi thứ trên đó, từ huy động vốn, cho vay, mang đi đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, cho đến đầu tư vào những tài sản bất động sản. Tuy nhiên, họ không nhìn thấy hết năng lực quản trị ở đằng sau, cũng như rủi ro của một ngân hàng đa năng, nhất là sự mâu thuẫn lợi ích giữa các ngân hàng theo mô hình này.
“Đến hiện tại, chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn của thị trường tài chính, như khủng hoảng năm 2009 thị trường chứng khoán lao dốc, năm 2011 – 2013 lạm phát tăng cao, bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng dâng lên, thì các ngân hàng lại chuyển sang xu hướng hoàn toàn khác. Đó là xu hướng ngân hàng thương mại và cụ thể hơn là ngân hàng bán lẻ”, ông Long nói.
Ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào khách hàng bán lẻ và những doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ cung cấp thường là nhận tiền gửi, cho vay hay các dịch vụ như thẻ tín dụng, giao dịch ngoại tệ. Rủi ro ở các dịch vụ này tương đối thấp, chủ yếu nằm ở tín dụng cho vay.
Còn nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, sẽ tập trung vào việc chính là đầu tư, bên cạnh các dịch vụ tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính như bảo lãnh phát hành, hay nghiệp vụ liên quan đến chứng khoán cho các công ty khác. Những ngân hàng đầu tư này chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư tổ chức. Bởi vì liên quan đến khoản đầu tư, nên sẽ có rủi ro về thị trường, vì vậy khi đầu tư vào bất động sản, sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự lên xuống của giá bất động sản, hay đầu tư vào tài sản cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thì mức rủi ro của họ sẽ cao hơn ngân hàng thương mại rất nhiều.
Nếu nhìn vào ngân hàng đa năng đảm nhiệm cả hai ngân hàng thương mại và đầu tư như vậy thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Theo ông Long, trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, có những ông chủ phải ra tòa và thừa nhận không biết gì về lĩnh vực ngân hàng và không quản trị được ngân hàng, nhưng lại sẵn sàng mua ngân hàng về rồi đem đi đầu tư đầy rủi ro.
Cụ thể, ngân hàng thương mại nhận tiền gửi và cho vay, nhưng sau đó ông chủ ngân hàng lại yêu cầu ngân hàng thương mại đưa tiền đó để đi đầu tư. Khi hai chức năng ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư trong một ngân hàng lớn, sẽ dễ xảy ra tình trạng mâu thuẫn, gây rủi ro phá sản rất lớn. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam cũng đã sử dụng các quy định để ngăn ngừa những mâu thuẫn lợi ích có liên quan này.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Ông Nguyễn Minh Tuấn
Về trường hợp này, ông Nguyễn Minh Tuấn phân tích, bắt buộc phải có sự phân tách giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nhằm quản trị rủi ro cho cả khách hàng gửi tiền, cũng như cho chính ngân hàng.
Nhìn sang nước Mỹ vào năm 1929, cuộc đại khủng hoảng đã bộc lộ điểm yếu của mô hình ngân hàng đa năng, với hàng nghìn ngân hàng phá sản. Khi đó, chính phủ Mỹ muốn điều tiết nguồn vốn của các ngân hàng vào một số ngành như công nghiệp, thương mại, nông nghiệp,… thay vì các ngân hàng cầm tiền đi đầu cơ. Chính vì vậy, Đạo luật Glass Steagall ra đời, là luật liên bang được Quốc hội ban hành năm 1933, quy định phải có sự phân biệt giữa nghiệp vụ ngân hàng thương mại với nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, đồng thời bảo vệ người gửi tiền thông qua bảo hiểm tiền gửi (FDIC).
Một số quy định cụ thể trong đạo luật này như: ngân hàng thương mại chỉ được bán các trái phiếu ngân hàng phát hành mới; cấm ngân hàng bảo lãnh phát hành chứng khoán doanh nghiệp; cấm các ngân hàng thương mại tham gia hoạt động môi giới; cấm ngân hàng đầu tư và các công ty bảo hiểm tham gia hoạt động ngân hàng thương mại. Mặc dù từ năm 1933, nhưng những quy định này đều rất hợp lý so với hiện tại.
Đến giai đoạn năm 2010, Mỹ lại cho ra đời đạo luật Dodd Frank, tạo ra Cục bảo vệ tài chính và người tiêu dùng, để điều chỉnh các khoản thế chấp và các sản phẩm tài chính khác. Thứ nhất, yêu cầu các công cụ phái sinh thông thường phải được xử lý thông qua các trung tâm thanh toán bù trừ và sàn giao dịch.
Thứ hai, cung cấp thẩm quyền giải quyết mới của chính phủ để cho phép chính phủ được quản lý các công ty cổ phần tài chính.
Thứ ba, thành lập hội đồng giám sát ổn định tài chính để điều chỉnh các tổ chức tài chính quan trọng một cách có hệ thống.
Thứ tư, cấm các ngân hàng tự doanh và sử dụng một tỷ lệ lớn các quỹ đầu cơ.
“Theo tôi, Việt Nam cũng có thể tiếp thu, áp dụng vào thị trường Việt Nam sớm nhất có thể những hướng đi như vậy. Ở Việt Nam, càng ngân hàng nhỏ thì yếu tố tự doanh và đầu tư, đầu cơ càng cao, bởi vì trong một thời gian ngắn họ không thể phát triển mạng lưới, khách hàng bán lẻ được. Dưới sức ép của lợi nhuận, thông thường các ngân hàng sẽ tìm đến hai nghiệp vụ bao gồm đầu cơ ngắn hạn, đơn cử như giao dịch ngoại hối, phải tăng trưởng từ 50-70%; hoặc các nghiệp vụ đầu tư vào trái phiếu để thể sớm mở rộng thị phần và áp theo chuẩn mực tăng vốn của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tuấn lý giải.
Các chuyên gia cùng đồng tình quan điểm rằng, năng lực quản trị ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, hướng theo chuẩn Basel; nhưng đâu đó vẫn cần phải có những kiểm soát tốt hơn để chúng ta giảm thiểu các rủi ro có liên quan.