Việt Nam là nước không sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên khi USD tăng thì giá vàng tăng theo. Tại Việt Nam, giá vàng tính theo giá Việt Nam đồng, vì vậy cần nhìn vào tỷ giá USD/VND để dự báo giá vàng.

Mua vàng SJC hay vàng nhẫn để đầu tư?

“Tôi xếp vàng vật chất vào kênh tài sản phòng thủ”, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO của AFA Capital và Founder của TOPI cho biết. 

Theo ông Tuấn, tuỳ vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư để chọn loại vàng tương ứng. Nếu muốn mua vàng có độ khan hiếm cao, mức độ biến động trên thị trường lớn, có thể chọn đầu tư vào vàng miếng.

Đầu tháng 7.2022, khi có sự biến động chính sách, giá vàng miếng có thời điểm sụt từ 68 triệu đồng/lượng xuống còn 61 triệu đồng/lượng. Độ biến động cao như vậy, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thì có thể chọn đầu tư vàng miếng. Còn nếu mua vàng chỉ để mục đích tích sản thì có thể chọn mua vàng nhẫn.

Giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng SJC trong nước tăng vùn vụt

Phân tích về diễn biến giá vàng thời gian qua, ông Nguyễn Thế Hưng – Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, giá vàng thế giới sụt giảm 1%, trong khi đó giá vàng SJC lại tăng khoảng 9%. Trong khoảng thời gian đấy, các tài sản khác như chứng khoán Mỹ giảm, trong nước VN-Index giảm 20%.

Biểu đồ giá vàng SJC trong 30 ngày qua.

Nhìn chung các tài sản đều giảm nhưng giá vàng vẫn giảm ít nhất trong các tài sản. Trong nước, vàng là kênh trú ẩn an toàn trong 6 tháng đầu năm.

Chỉ số DXY – đo lường sức mạnh đồng USD từ đầu năm tăng khoảng 10%, trong khi vàng chỉ giảm 1%. Thực tế vàng là tài sản được giao dịch toàn cầu, nhưng giá vàng giao ngay lại định giá theo USD. Vì vậy đồng USD tăng cũng là nguyên nhân khiến vàng sụt giảm”.

Tại Việt Nam, vàng tính theo giá Việt Nam đồng, vì vậy cần nhìn vào tỷ giá USD/VND. Tỷ giá tăng hơn 2,7% và đó là yếu tố khiến giá vàng Việt Nam tăng cao chứ không chỉ là yếu tố cung cầu. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Vàng là tài sản không đem lại lợi suất, khi đồng USD tăng giá thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng phòng thủ là dùng vàng hoặc trái phiếu để hưởng lãi suất. Từ đầu năm 2022, khi có xu hướng thắt chặt thì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên rất cao, tăng 100%. Xu hướng chung là tiền rút ra khỏi tài sản rủi ro và chuyển vào tài sản có tính phòng thủ như trái phiếu và vàng”.

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Việt Nam là nước không sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên khi USD tăng giá thì vàng tăng theo. Thêm vào đó tâm lý người dân khi dịch chuyển từ tiền đồng thì họ mua cả USD lẫn vàng.

Giá vàng dự báo sẽ vọt lên mốc 1.900 USD/ounce

“Dự báo cuối năm giá vàng phục hồi ở mốc 1.800 -1900 USD/ounce”, ông Nguyễn Thế Hưng nói.

Lý giải cho quan điểm trên, ông Hưng cho rằng yếu tố hỗ trợ giá vàng là căng thẳng địa chính trị. Khả năng cuối năm nay căng thẳng địa chính trị quay trở lại khi châu Âu bước vào giai đoạn mùa thu đông. Châu Âu vừa cấm nhập khẩu dầu tư Nga. Thuỵ Điển và Phần Lan xin gia nhập Nato… 

Biểu đồ giá vàng thế giới

Ngược lại, yếu tố tác động tiêu cực đến giá vàng là câu chuyện lãi suất tăng và đà tăng của đồng USD. Khi chỉ số USD index đẩy giá vàng lao dốc. Việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các tài sản như chứng khoán, vàng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Vàng thế giới đang ở mức thấp. Trong khi đó, giá vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ giá đô – Việt Nam đồng. Nếu nhìn vào nguồn đăng kí FDI có sự sụt giảm. Vàng là tài sản phòng thủ, nếu giữ vàng  từ đầu năm đến nay thì vẫn tăng trưởng dương”.

#CEO #NguyễnMinhTuấn #AFACapital #Vàng

Hương Nguyễn

Theo Báo Lao động

Leave a comment